Sự phát triển nhanh chóng của tài chính phi tập trung (DeFi) đã thu hút sự chú ý của cả tổ chức quỹ lẫn nhà đầu tư retail, với tổng giá trị tài sản khóa lại (TVL) trong các dự án tăng vọt, từ chỉ vài triệu USD vào năm 2018 lên đến hàng chục tỷ USD ngày nay. 

 

Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu DeFi trở nên rất cần thiết để nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cấu trúc và mô hình hoạt động của nó, cũng như để định hình tương lai của ngành tài chính. 

 

Trong bài viết này, TradeCoinVN sẽ giúp anh em hiểu chuyên sâu về DeFi: từ định nghĩa cơ bản, vai trò, cho đến những lợi ích và rủi ro của DeFi. 

DeFi là gì?

DeFi là gì?
DeFi là gì?

DeFi (Decentralized Finance) hay tài chính phi tập trung là một thuật ngữ chỉ các dịch vụ tài chính trên mạng blockchain. DeFi cho phép thực hiện hầu hết các hoạt động tài chính giống như ngân hàng truyền thống như vay và cho vay, mua bảo hiểm, giao dịch chứng khoán phái sinh, trao đổi tài sản,... nhưng với tốc độ nhanh hơn và không cần đến bên trung gian thứ ba.

 

DeFi mang tính toàn cầu và hoạt động theo mô hình ngang hàng (peer-to-peer), nghĩa là giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa hai người mà không qua bất kỳ hệ thống tập trung nào. 

 

Nhờ vào các mạng blockchain như Ethereum, Solana, Avalanche, Polkadot,.. DeFi tạo ra một hệ thống phân quyền.  Nếu như trước đây, chỉ có thể sử dụng các dịch vụ cung cấp bởi các tổ chức tài chính truyền thống thì bây giờ, mọi người có thể tham gia một môi trường tài chính linh hoạt và minh bạch hơn.

DeFi hoạt động như thế nào?

Cơ chế hoạt động của DeFi Lending
Cơ chế hoạt động của DeFi Lending

DeFi hoạt động thông qua các dApps (Decentralized Apps), với phần lớn chạy trên blockchain Ethereum. Khác với ngân hàng truyền thống, người dùng không cần phải điền đơn xin hay mở tài khoản để sử dụng DeFi.

 

Các hình thức tương tác phổ biến với DeFi bao gồm:

 

  • Cho vay: Người dùng có thể cho vay tiền điện tử của mình và kiếm lãi hàng phút, thay vì mỗi tháng như trong ngân hàng truyền thống.
  • Vay vốn: Người dùng có thể nhận khoản vay ngay lập tức mà không cần hoàn tất thủ tục giấy tờ, bao gồm cả các khoản vay "flash loans" rất linh hoạt mà các tổ chức tài chính truyền thống không cung cấp.
  • Giao dịch: Thực hiện các giao dịch P2P cho các coin/token, tương tự như mua và bán cổ phiếu mà không cần qua môi giới.
  • Tiết kiệm: Đặt một phần coin/token của mình vào các mục Saving thay thế cho tài khoản tiết kiệm và nhận lãi suất cao hơn so với ngân hàng truyền thống.
  • Mua bán chứng khoán phái sinh: Thực hiện long/short trên các tài sản. Đây có thể được coi như quyền chọn cổ phiếu hay hợp đồng tương lai phiên bản cryrpto.

 

Qua các hoạt động này, DeFi cung cấp một hệ thống tài chính linh hoạt và đa dạng, cho phép người dùng tận dụng các nguồn vốn & tài sản của mình một cách hiệu quả hơn so với hệ thống tài chính truyền thống.

Lợi ích và rủi ro của DeFi

Lợi ích

DeFi mang lại nhiều lợi ích nổi bật so với hệ thống tài chính truyền thống, bao gồm:

 

  • Tất cả mọi người đều có quyền sử dụng: Trong DeFi, không cần phải nộp đơn xin hoặc “mở” một tài khoản. Người dùng có thể truy cập tất cả dịch vụ chỉ bằng cách tạo một ví điện tử, loại bỏ các rào cản thủ tục thường gặp trong tài chính truyền thống.
  • Ẩn danh: DeFi cho phép giao dịch mà không cần tiết lộ tên, địa chỉ email, hoặc bất kỳ thông tin cá nhân nào, giúp bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
  • Linh hoạt: Người dùng có thể chuyển tài sản của mình đến bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào mà không cần xin phép hoặc phải chờ đợi các giao dịch chậm chạp, lại còn có phí cao.
  • Nhanh chóng: Lãi suất và phần thưởng trong DeFi thường được cập nhật nhanh chóng, có thể cứ mỗi 15 giây một lần, và thường cao hơn đáng kể so với những gì hệ thống tài chính truyền thống có thể cung cấp.
  • Minh bạch: DeFi có tính minh bạch cao do mọi người đều có thể xem toàn bộ giao dịch trên blockchain, điều mà các ngân hàng hay công ty tài chính truyền thống hiếm khi cung cấp.

Rủi ro

Mặc dù DeFi có nhiều ưu điểm và mở ra cơ hội đầu tư mới, nhưng nó vẫn đối mặt với nhiều hạn chế: 

 

  • Bảo mật kém: DeFi có thể đối mặt với rủi ro bảo mật như bị hack hoặc rug pull, do hoạt động hoàn toàn trên blockchain mà không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước.
  • Thanh khoản thấp: DeFi thường gặp phải vấn đề thanh khoản thấp so với Tài chính tập trung (CeFi), do không có sự đảm bảo từ các bên trung gian thứ ba, điều này làm cho các dự án mới gặp khó khăn trong việc thu hút và duy trì dòng tiền.
  • Khả năng mở rộng thấp: Vấn đề này dẫn đến phí giao dịch cao và thời gian xử lý lâu, ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.
  • Hiệu quả sử dụng vốn thấp: Tài sản trong DeFi thường không được tận dụng một cách tối ưu, với phần lớn vốn "đứng im" trong các dApp như DEX hay Lending.
  • Dự án thiết kế tokenomics không hợp lý: Mô hình phát triển dựa trên việc lạm dụng token để thu hút người dùng không tạo ra giá trị dài hạn.
  • Mô hình kinh doanh không bền vững: Nhiều dự án phát triển nhanh chóng để theo kịp xu hướng nhưng không có lộ trình bền vững, dẫn đến thất bại sau thời gian ngắn.

Tổng kết

DeFi là một mảng nổi bật trong tài chính sử dụng công nghệ blockchain. Mặc dù DeFi mang lại những lợi ích như tốc độ cao, minh bạch và linh hoạt, nhưng nó cũng đối mặt với thách thức về khả năng mở rộng, thanh khoản, bảo mật và hiệu quả sử dụng vốn. 

 

DeFi đang dần định hình lại cấu trúc của hệ thống tài chính toàn cầu, yêu cầu sự cải tiến liên tục để giải quyết các vấn đề hiện tại để đạt được sự phát triển bền vững.

 

Theo anh em những dự án DeFi nào là nổi bật và đáng để đầu tư trong năm 2024? Hãy để lại bên dưới comment cho TradeCoinVN biết nhé! 

 

Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tiền của mình, chúc các bạn thành công!