NFT hay token thuộc tiêu chuẩn ERC-721 hiện đang là một cơn sốt trên thị trường crypto khi gần như mỗi ngày là có thêm một bộ sưu tập mới được ra đời.

 

Vậy cụ thể thì NFT hay ERC-721 là gì? Tiêu chuẩn token này có những ưu, nhược điểm nào và nó được ứng dụng ra sao? Hãy cùng TradeCoinVN tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

ERC-721 là gì?

ERC-721 là một tiêu chuẩn token trên hệ sinh thái Ethereum. Cụ thể, chuẩn token này cho phép các nhà phát triển tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có thể tương tác với smart contracts trên Ethereum và những tác phẩm này là duy nhất, tức là không thể bị thay thế bởi một token khác ngay cả khi có cùng một địa chỉ contract.

Chuẩn token ERC-721
Chuẩn token ERC-721

Nhờ vào bộ quy chuẩn của ERC-721, các NFT được tạo ra gần như ngay lập tức tương tác được với các giao thức DeFi, Staking hay mua bán trao đổi thông qua tính năng của smart contract.

Lịch sử hình thành ERC-721

Kể từ khi được giới thiệu lần đầu vào năm 2015, chuẩn token ERC-20 đã trở nên rất phổ biến trong quá trình hình thành của hệ sinh thái Ethereum. 

 

Thế nhưng, ERC-20 chỉ có thể hỗ trợ cho Fungible token - loại token đơn giản và không thể gắn hình ảnh vào. Điều này khiến cho việc ứng dụng công nghệ blockchain vào một số lĩnh vực như nghệ thuật, game hay token hóa RWAs,... trở nên cực kỳ khó khăn. 

 

Vì vậy, vào năm 2018, tiêu chuẩn token ERC-721 đã được tạo ra bởi một nhóm kỹ sư bao gồm William Entriken, Dieter Shirley, Jacob Evans và Nastassia Sachs. Từ đó, mở ra một kỉ nguyên mới cho NFT nói riêng và công nghệ blockchain nói chung.

NFT là gì?

NFT (viết tắt của Non-fungible token), có nghĩa là token không thể thay thế. Nó được sử dụng để đại diện cho một loại tài sản kỹ thuật số duy nhất trên nền tảng blockchain, tài sản đó có thể là một bức tranh, một bài nhạc hay một đoạn video nào đó,... 

 

Một NFT chỉ đại diện cho một tài sản kỹ thuật số duy nhất và chỉ có một người có thể sở hữu nó.

NFT (viết tắt của Non-fungible token)
NFT (viết tắt của Non-fungible token)

Mỗi NFT sẽ được lưu trữ và quản lý bằng một smart contract tương ứng để đảm bảo tính non-fungible của token. Nhờ vào công nghệ smart contract, lịch sử giao dịch và quyền sở hữu của NFT sẽ được ghi lại trên một cuốn sổ cái công khai minh bạch, tương tự như các fungible token khác.

So sánh giữa NFT và Fungible token?

Fungible token là tài sản kỹ thuật số với các token có thể phân chia và thay thế cho nhau. Lấy ví dụ, 1 ETH có thể trao đổi bằng 1 ETH khác, hoặc ta cũng có thể trao đổi bằng những đồng altcoin khác có giá trị tương đương. Ngoài ra, 1 ETH đó cũng có thể chia nhỏ thành 0,1 ETH hay 0,01 ETH nhưng không ảnh hưởng đến giá trị của nó.

 

Trong khi đó, Non-fungible token (NFT) mang tính chất trái ngược hoàn toàn. Mỗi một token chỉ đại diện cho một tài sản độc nhất và không thể bị phân chia, token đó sẽ là duy nhất và không bị thay thế bằng một token tương đương nào khác. 

 

Tương tự như bức tranh “The Starry Night” của họa sĩ Vincent van Gogh có rất nhiều bản sao được lan truyền nhưng chúng đều vô giá trị, giá trị của bức tranh vẫn chỉ nằm ở bản gốc đang được trưng bày tại bảo tàng.

Chỉ có bản gốc The Starry Night được trưng trong bảo tàng mới có giá trị
Chỉ có bản gốc The Starry Night được trưng trong bảo tàng mới có giá trị

Cách thức ERC-721 hoạt động?

ERC-721 là một bộ quy chuẩn để các dự án có thể theo đó mà tạo ra các NFT tương tác được với smart contract. Khi một NFT mới được tạo, smart contract sẽ gán cho nó một mã định danh duy nhất và ghi lại địa chỉ ví của chủ sở hữu.

 

Mỗi NFT sẽ có bộ siêu dữ liệu riêng (metadata), bao gồm các thông tin như tên, mô tả và hình ảnh. Metadata sẽ được lưu trữ ngoài chuỗi, thường là trên IPFS (hệ thống tập tin phi tập trung) hoặc các nền tảng lưu trữ phi tập trung khác.

 

Để tương tác với ERC-721, người dùng thường sử dụng các ví có hỗ trợ tiêu chuẩn này để gửi hoặc quản lý NFT của họ bằng giao diện trực quan. Hiện nay, hầu hết các ví được xây dựng trên blockchain Ethereum đều đã có hỗ trợ cho ERC-721 để người dùng có thể lưu trữ NFT.

Ưu và nhược điểm của ERC-721 là gì?

Ưu điểm

Tiêu chuẩn token ERC-721 có một số ưu điểm như sau:

 

  • Thể hiện được hình ảnh: Đây chính là điểm nổi bật của chuẩn token này. Nó cho phép các nhà phát triển thể hiện nội dung của tác phẩm mà họ muốn token hóa lên blockchain. Hoặc các nhà phát triển GameFi thể hiện được hình ảnh bắt mắt của các vật phẩm hay nhân vật trong game để thu hút người chơi.
  • Không thể thay thế: Bên cạnh đó, tính “độc nhất vô nhị” của những NFT được xây dựng nhờ vào ERC-721 cũng là một ưu điểm nổi bật. Với ưu điểm này, người dùng có thể thực sự sở hữu các tác phẩm của riêng họ, giúp nâng cao giá trị sưu tầm của NFT.
  • Giá trị có thể xác minh được: Nhờ vào việc smart contract ghi lại địa chỉ ví sở hữu mà chúng ta có thể xác minh người nắm giữ thực sự một NFT nào đó. Ngoài ra, cùng với địa chỉ của smart contract, chúng ta cũng có thể xác định được một NFT có phải là tác phẩm thật không, hay là sản phẩm đạo nhái.
  • Được xây dựng trên Ethereum: Ngoài những ưu điểm nêu trên ra, ERC-721 còn được xây dựng trên blockchain Ethereum với một cộng đồng nhà phát triển lớn mạnh nhất thị trường crypto. Điều này sẽ giúp cho những NFT được phát triển bằng ERC-721 có thể tiếp cận với sự hỗ trợ, cũng như là có tiềm năng để được ứng dụng trong nhiều tính năng độc đáo hơn ở trong tương lai. Ngoài ra, ưu điểm này còn mang tới cho ERC-721 một số lợi thế như tính thanh khoản lớn và được hầu hết các ví Web3 hỗ trợ.

Nhược điểm

Mặt khác, ERC-721 cũng mang trong mình một số nhược điểm. Ví dụ như:

 

  • Phí gas cao: Do cấu trúc của ERC-721 chưa được tối ưu hóa và chỉ một smart contract cho một NFT. Điều này sẽ khiến cho phí gas cao khi tương tác với chuẩn token này. 
  • Hạn chế khả năng mở rộng: Ngoài ra, do sự hạn chế trong các chức năng mà chuẩn token này cung cấp, một số tính năng như: nâng cấp, gộp NFT hay kết hợp lại với nhau là không thể thực hiện được. Điều này tạo ra rào cản đối với những dự án yêu cầu nhiều tính năng tương tác với NFT hơn, điển hình như lĩnh vực GameFi.

 

Những nhược điểm này đã được khắc phục bởi một tiêu chuẩn token mới là ERC-1155.

Những trường hợp sử dụng phổ biến của ERC-721

GameFi

Trong các game truyền thống, mỗi thuộc tính, vật phẩm của người chơi đều chịu sự quản lý của nhà phát hành game. Mãi đến sau này, khi GameFi ra đời, các nhà phát hành bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về NFT vào trong phát triển game. 

 

Tùy vào tính chất game mà NFT có thể là một món trang bị, một nhân vật trong game hay thuộc tính của vật phẩm,... NFT đó sẽ được sở hữu và có thể đem đi trao đổi giữa người chơi với nhau. Từ đó, các game thủ có thể thoải mái sáng tạo nên thế giới của mình trong trò chơi bằng những NFT mà họ sở hữu.

Mỗi nhân vật Axie trong game là một NFT chuẩn ERC-721
Mỗi nhân vật Axie trong game là một NFT chuẩn ERC-721

Hầu hết các nền tảng GameFi đã ra mắt trên thị trường hiện nay đều ứng dụng NFT vào trong trò chơi của mình. Một số dự án nổi bật đã ứng dụng chuẩn token ERC-721 có thể kể đến như CryptoKitties, Axie Infinity, The Sandbox,...

Collectibles

Tương tự như việc sưu tầm ở ngoài đời thực, NFT có thể đại diện cho một tài sản kỹ thuật số mang tính chất sưu tầm, để làm kỉ niệm,... Thậm chí, nhờ vào chuẩn token ERC-721, ta có thể quản lý, trao đổi bộ sưu tập của mình dễ dàng hơn mà không tốn chi phí vận chuyển, bảo trì như các bộ sưu tập vật lý khác.

 

Bên cạnh đó, NFT Collectibles cũng có thể hỗ trợ các nghệ sĩ kiếm thêm thu nhập bằng cách biến tác phẩm của họ thành NFT và niêm yết nó trên các sàn NFT như OpenSea, Rarible, Art Blocks,... 

Nghệ sĩ có thể tạo NFT dựa trên tác phẩm của mình.
Nghệ sĩ có thể tạo NFT dựa trên tác phẩm của mình.

Tên miền (Domain)

Chuẩn token ERC-721 cũng được áp dụng vào trong việc tạo NFT cho tên miền thông qua các dự án như ENS (Ethereum Name Service) hay Unstoppable Domains. 

 

Những tên miền này sẽ giúp rút ngắn địa chỉ ví “dài ngoằng” khó nhớ của người dùng trở nên cực kỳ đơn giản, ví dụ như TradeCoinVN.eth. Điều này sẽ giúp cho việc ghi nhớ địa chỉ ví hay thực hiện các hoạt động DeFi dễ dàng và chuyên nghiệp hơn.

Một số dự án Token ERC-721 nổi bật

Dự án nổi bật nhất phải kể đến là CryptoKitties. Đây được xem như là bước đệm để tiêu chuẩn token ERC-721 được ra đời. 

 

CryptoKitties được xây dựng trên hệ sinh thái Ethereum, sử dụng chuẩn token ERC-721 để tạo ra và quản lý các NFT được gọi là "Kitties". Dự án này được phát triển bởi công ty Canada Axiom Zen vào tháng 10 năm 2017 và nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong việc áp dụng chuẩn token ERC-721 để tạo NFT trong GameFi.

Những chú mèo CryptoKitties từng gây sốt thị trường một thời
Những chú mèo CryptoKitties từng gây sốt thị trường một thời

Axie Infinity từng gây bão thị trường GameFi một thời gian trước, đây cũng là dự án đã ứng dụng tiêu chuẩn token ERC-721 cực kỳ thành công vào trò chơi của mình. 

 

Trong GameFi này, ERC-721 được sử dụng để tạo ra các nhân vật độc nhất được gọi là Axies. Mỗi Axie là một NFT có đặc điểm riêng biệt và không thể thay thế cho nhau, người dùng có thể giao dịch các NFT hoặc thậm chí lai tạo các Axie với nhau để tạo nên một NFT mới.

Tựa game Axie Infinity
Tựa game Axie Infinity

Ngoài 2 GameFi đình đám ở trên ra, một dự án NFT Collectibles là CryptoPunks cũng từng gây ra rất nhiều sự chú ý một thời gian trên thị trường NFT. 

 

Đây là bộ sưu tập các hình ảnh pixel art độc đáo được tạo ra và quản lý bởi Larva Labs. Mỗi hình ảnh trong bộ sưu tập đều được vẽ dưới dạng pixel và được quản lý bằng chuẩn token ERC-721.

NFT CryptoPunks dựa trên chuẩn token ERC-721
NFT CryptoPunks dựa trên chuẩn token ERC-721

Tổng kết

Trên đây là một số thông tin về ERC-721, tiêu chuẩn token có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển công nghệ NFT trong thị trường crypto. 

 

Sự ra đời của nhiều token dựa trên chuẩn token ERC-721 đã thu hút chú ý của đông đảo người dùng, đồng thời tạo ra sự lan tỏa tích cực trong việc áp dụng NFT vào các dự án blockchain. Mong rằng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ về chuẩn ERC-721. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại ở phần bình luận phía dưới để anh em trong cộng đồng TradeCoinVN có thể hỗ trợ bạn nhé!