Layer 1 đóng vai trò là blockchain nền tảng. Một số blockchain Layer 1 mà anh em tìm hiểu crypto đều biết đến là Bitcoin, Ethereum, Solana,... 

 

Trong bài viết này, TradeCoinVN sẽ giúp anh em hiểu về Layer 1 cùng như các vấn đề xung quanh nó. 

Layer 1 là gì?

Layer 1 Blockchain đại diện cho các blockchain cơ bản, với khả năng tự xử lý và hoàn thiện giao dịch mà không cần sự hỗ trợ của mạng bên ngoài. 

Minh họa về blockchain Layer 1 và Layer 2
Minh họa về blockchain Layer 1 và Layer 2

Các Blockchain Layer 1 thường sở hữu đồng coin riêng (hay còn gọi là native token). Những native token này sẽ đóng vai trò trung tâm của nền kinh tế trên hệ sinh thái L1 đó, bao gồm làm nhiệm vụ thanh toán phí giao dịch, trả thưởng cho validator duy trì bảo mật,...

 

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của Layer 1 là cơ chế đồng thuận, quyết định cách thức các giao dịch được xác nhận và ghi lại trên blockchain. 

 

Mỗi blockchain sử dụng một cơ chế đồng thuận riêng biệt, từ Proof of Work (PoW) đến Proof of Stake (PoS) và nhiều phương pháp khác, ảnh hưởng đến tốc độ giao dịch, mức độ bảo mật và khả năng mở rộng của mạng. 

 

Mỗi blockchain Layer 1 có những ưu điểm và hạn chế riêng, quyết định khả năng và phạm vi ứng dụng của chúng trong hệ sinh thái blockchain.

Sự quan trọng của việc mở rộng Layer 1 trong hệ sinh thái Blockchain

Blockchain Layer 1 đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì tính phi tập trung và bảo mật nhưng vẫn gặp nhiều thách thức về khả năng mở rộng. Đây chính là Bộ ba nan giải của blockchain (Blockchain trilemma) mà Vitalik Buterin - người sáng lập Ethereum, đã nhấn mạnh. 

 

Lý do của việc cần mở rộng Blockchain Layer 1 như sau:

 

  • Bitcoin và các blockchain Layer 1 có cơ chế đồng thuận như Proof of Work đang gây tiêu tốn thời gian, tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường.
  • Sự gia tăng nhu cầu giao dịch và giới hạn băng thông khiến giao dịch trên các blockchain Layer 1 chậm và tốn kém, yêu cầu các nhà phát triển tìm cách cải thiện khả năng xử lý giao dịch.
  • So sánh với hệ thống thanh toán tập trung có khả năng xử lý hàng nghìn TPS (Transactions per second), Bitcoin và các blockchain layer 1 vẫn chỉ xử lý được một lượng nhỏ giao dịch mỗi giây.

Giá trị mà Layer 1 mang lại

Những nền tảng phổ biến như Bitcoin, Ethereum, AvalancheSolana,... là các blockchain Layer 1 điển hình mà anh em đã rất quen thuộc. 

Minh họa sự tương tác giữa Layer 1 và Layer 2
Minh họa sự tương tác giữa Layer 1 và Layer 2

Các blockchain này tạo và lưu trữ các block chứa thông tin về giao dịch, liên kết chúng vào trong một chuỗi thông qua cơ chế đồng thuận do miner hoặc validator thực hiện. Qua đó, Layer 1 xây dựng nên một sổ cái công khai và minh bạch, làm cơ sở cho việc xác minh mọi giao dịch trong hệ thống, đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu.

 

Về tính chất xác định cuối cùng của giao dịch, Layer 1 đảm bảo rằng một khi giao dịch được ghi nhận, nó sẽ không thể bị hoàn tác hay thay đổi, cung cấp một mức độ bảo mật và ổn định cao.

 

Ngoài ra, khía cạnh tài sản và bảo mật là hai điểm nổi bật khác của Layer 1. Các coin native được sử dụng cho phí giao dịch và thưởng cho các miner/validator. Đây là động lực cho những người tham gia bảo mật và đóng góp phát triển mạng. 

 

Bên cạnh đó, Layer 1 cũng cung cấp tính bảo mật mạnh mẽ, từ đó làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các Layer 2, 3 và ứng dụng blockchain khác.

Giới hạn của Layer 1

Các blockchain Layer 1, bao gồm những cái tên lớn như Bitcoin và Ethereum, đều hướng tới mục tiêu cung cấp một hệ thống phi tập trung, an toàn và có khả năng mở rộng. 

 

Tuy nhiên, thách thức nằm ở việc cân bằng giữa 3 yếu tố này, được gọi là Blockchain Trilemma. Trong nỗ lực duy trì sự phi tập trung và độ bảo mật, nhiều blockchain Layer 1 đã phải hy sinh khả năng mở rộng của mình, dẫn đến hạn chế về số lượng giao dịch xử lý được khi người dùng tăng lên, làm giảm hiệu suất của mạng.

 

Sự giới hạn này đã thúc đẩy các nhà phát triển blockchain tìm kiếm những giải pháp nhằm giải quyết vấn đề mở rộng cho Layer 1 hoặc phát triển các giải pháp "off-chain" như các Layer 2, với mục đích nâng cao băng thông giao dịch mà không ảnh hưởng đến tính phi tập trung hay bảo mật. 

 

Bằng cách áp dụng những cải tiến này, các blockchain Layer 1 hy vọng sẽ vượt qua bài toán Trilemma, tạo ra một nền tảng vừa an toàn, phi tập trung và có khả năng xử lý lượng giao dịch lớn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng.

Mối quan hệ giữa Layer 1 với Layer 2

Layer 2 được thiết kế như một lớp bổ sung cho Layer 1, với mục đích chính là giải quyết các thách thức liên quan đến khả năng mở rộng mà các blockchain Layer 1 gặp phải. 

 

Bằng cách xây dựng trực tiếp trên Layer 1, Layer 2 không chỉ kế thừa tính bảo mật và dữ liệu sẵn có từ Layer 1 mà còn có khả năng xử lý một lượng lớn giao dịch, từ đó giúp giảm chi phí và tăng tốc độ giao dịch. 

 

Các giải pháp Layer 2 như OP Mainnet, Immutable-X, Arbitrum và Loopring minh chứng cho sự đa dạng và sự cần thiết của các Layer 2 này trong việc mở rộng và tối ưu hóa hệ thống blockchain.

 

Một ví dụ cụ thể của Layer 2 trong thực tiễn là Lightning Network, được phát triển cho Bitcoin. Lightning Network tạo điều kiện cho việc thực hiện các giao dịch ngang hàng nhanh chóng thông qua một mạng lưới node và phần mềm đặc biệt, đồng thời duy trì khả năng tương tác với chuỗi chính của Bitcoin. 

 

Từ trên ta có thể thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Layer 1 và Layer 2, trong đó Layer 2 đóng vai trò cải thiện và mở rộng khả năng của Layer 1.

Danh sách các dự án Layer 1 nổi bật trên thị trường

Ethereum

Hệ sinh thái Ethereum
Hệ sinh thái Ethereum

Ethereum là một trong những nền tảng blockchain hàng đầu, được ra mắt vào năm 2015 bởi Vitalik Buterin và một nhóm đồng sáng lập. 

 

Điểm đặc biệt của Ethereum so với các blockchain khác chính là khả năng hỗ trợ hợp đồng thông minh (smart contracts) và ứng dụng phi tập trung (DApps).

 

Sự nổi bật của Ethereum cũng đến từ đồng tiền mã hóa của nó, Ethereum (ETH), đóng vai trò là “xăng dầu” cho các giao dịch và hoạt động trên nền tảng. 

 

Với khả năng mở rộng và tính ứng dụng cao, Ethereum đã trở thành trung tâm của nhiều dự án crypto quan trọng và đang dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ blockchain.

SUI

Sui blockchain Layer 1
Sui blockchain Layer 1

Sui Network nổi bật với hiệu suất cao và kiến trúc Monolithic. Điều này cho phép Sui xử lý tới hàng trăm nghìn giao dịch mỗi giây, với thời gian tạo block chỉ trong khoảng 2 đến 3 giây. 

 

Không theo mô hình mở rộng theo chiều dọc như Solana hay Internet Computer, Sui lại hướng đến phương án mở rộng theo chiều ngang, tương tự như dự án Ethereum 2.0, nhấn mạnh vào việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái Web3. 

 

Bằng cách cung cấp một cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và linh hoạt, Sui tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà phát triển nhanh chóng tạo và triển khai các ứng dụng mới.

Aptos

Hệ sinh thái Aptos
Hệ sinh thái Aptos

Aptos là một dự án blockchain Layer 1 được thiết kế với mục tiêu mang lại tính mở rộng, độ tin cậy cao và chi phí thấp cho người dùng. Aptos cũng là đối thủ của SUI trong mảng các blockchain Layer 1 thế hệ mới.

Phát triển bởi đội ngũ tại Aptos Labs, Aptos nhắm đến việc giải quyết ba vấn đề chính mà các blockchain Layer 1 hiện tại thường gặp phải: độ tin cậy, khả năng mở rộng và khả năng sử dụng. 

 

Đặc biệt, Aptos được xây dựng dựa trên ngôn ngữ Move - một ngôn ngữ lập trình ban đầu được phát triển cho dự án Diem của Meta (trước là Facebook) nhưng sau đó đã bị hủy bỏ vì các vấn đề pháp lý. 

 

Với sự hỗ trợ của công cụ thực thi song song (Block-STM), Aptos có khả năng xử lý hơn 130.000 giao dịch mỗi giây (TPS), đồng thời duy trì phí giao dịch ở mức thấp.

Tổng kết

Blockchain Layer 1 đóng một vai trò quan trọng làm bệ đỡ cho việc phát triển các ứng dụng blockchain. Các Layer 1 mới tiềm năng như SUI, Aptos,... đang ngày càng cải thiện các vấn đề của các dự án thế hệ trước đó. 

 

Anh em nhận định như nào về tương lai của các dự án Layer 1? Hãy để lại bên dưới comment cho TradeCoinVN biết nhé! 

 

Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tiền của mình, chúc các bạn thành công!