Bridge tài sản hay tương tác giữa các blockchain với nhau đang là một tính năng cực kỳ quan trọng. Nguyên nhân là bởi vì hiện nay đang có quá nhiều blockchain được xây dựng với đa dạng hình thức khác nhau. 

 

Điều này đã đặt ra nhu cầu cho việc tương tác giữa chúng và Omnichain Fungible Token (OFT) được thiết kế bởi LayerZero là một trong những giải pháp được đánh giá cao.

 

Vậy cụ thể thì chuẩn token này là gì? Nó hoạt động ra sao và mang tới những lợi ích nào? Hãy cùng TradeCoinVN tìm hiểu ở trong bài viết này nhé!

Omnichain Fungible Token (OFT) là gì?

Bối cảnh xuất hiện

Kể từ những năm 2017, sự bùng nổ của thị trường crypto cùng với những tính năng mà smart contract mang lại đã thu hút nhiều nhà phát triển đến với công nghệ sổ cái phân tán. Từ đó, nhiều giải pháp blockchain mới được cho ra đời với đa dạng ngôn ngữ lập trình và công nghệ tiên tiến để có thể phục vụ nhu cầu của người dùng ở một lĩnh vực cụ thể nào đó.

 

Mặc dù việc xuất hiện nhiều blockchain mới giúp mở rộng quy mô của thị trường crypto. Tuy nhiên, điều này lại tạo ra một vấn đề nan giải gây ảnh hưởng đến cả các nhà phát triển lẫn người dùng và nó được gọi là phân mảnh thanh khoản.

Vì vậy, chúng ta cần phải có một giải pháp hữu hiệu để có thể giải quyết được vấn đề trên và Omnichain Fungible Token đã được LayerZero cho ra mắt để thực hiện sứ mệnh đó.

Khái niệm

Omnichain Fungible Token (OFT) là một tiêu chuẩn token mới cho phép hoạt động trên nhiều blockchain khác nhau (multi-chain). OFT được thiết kế bởi LayerZero - một giao thức truyền tin cross-chain (xuyên chuỗi), cho phép các dApps ở những chain khác nhau có thể tương tác với nhau một cách hiệu quả và nhanh chóng.

Omnichain Fungible Token (OFT) được xây dựng bởi LayerZero
Omnichain Fungible Token (OFT) được xây dựng bởi LayerZero

Đây là một giải pháp đang gây được sự chú ý lớn trong cộng đồng crypto và nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng OFT sẽ là một “viên thuốc thần” để có thể giải quyết được vấn đề phân mảnh thanh khoản đang rất nan giải hiện nay.

OFT giải quyết vấn đề gì?

Cụ thể, một số vấn đề mà OFT giải quyết bao gồm:

 

  • Khả năng tương tác: Tiêu chuẩn mới này có thể thay thế việc bridge tài sản thông qua wrapped token - một phương pháp đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và là nguyên nhân gây ra rất nhiều vụ hack cross-chain diễn ra trong năm 2021. OFT cho phép việc bridge token qua những blockchain khác an toàn, hiệu quả và phí gas rẻ hơn.
  • Chống phân mảnh thanh khoản: Thanh khoản là một phần cực kỳ quan trọng của bất kỳ thị trường nào. Với việc giúp giảm bớt những rào cản đối với việc tương tác và giao dịch giữa các blockchain, OFT cho phép kết nối thanh khoản trên nhiều mạng lưới lại với nhau. Điều này giúp cải thiện hiệu quả và giảm thiểu độ trượt giá của mỗi giao dịch.
  • Nâng cao khả năng mở rộng: Việc cho phép tương tác giữa các blockchain với nhau có thể mở ra nhiều trường hợp sử dụng. Từ đó, nhiều ý tưởng độc đáo được xây dựng và công nghệ blockchain càng được mở rộng hơn.
  • Tính an toàn: Chuẩn token OFT được thiết kế đặc biệt cho việc tương tác giữa các blockchain. Vì vậy, nó giải quyết được những vấn đề về tính bảo mật mà các phương pháp tạm thời hiện nay như wrapped token đang gặp phải.
  • Tính phi tập trung: Chuẩn OFT giúp cho các token không phải phụ thuộc vào bất kỳ bên trung gian nào. Điều này giúp tăng thêm tính bảo mật và kiểm soát của người dùng đối với tài sản của họ.

Cơ chế hoạt động của Omnichain Fungible Token (OFT)

Chuẩn token OFT hoạt động theo cơ chế burn-mint. Điều này có nghĩa rằng khi thực hiện bridge, token từ mạng chính (source chain) sẽ bị đốt (burn) và đúc (mint) lại token đó ở mạng đích (destination chain).

Ảnh minh họa cơ chế burn-mint
Ảnh minh họa cơ chế burn-mint

Lợi ích và rủi ro OFT mang lại?

Lợi ích

Cơ chế burn-mint mà OFT sử dụng sẽ mang tới một số lợi ích sau đây:

 

  • Lợi ích lớn nhất mà cơ chế này mang lại là loại bỏ sự phụ thuộc vào các giao thức trung gian bên thứ ba. Từ đó, chúng ta có thể bridge token một cách dễ dàng mà không cần phải lo về vấn đề thanh khoản.
  • Bên cạnh đó, việc không phụ thuộc vào bên thứ ba còn giúp chúng ta tránh được những cuộc tấn công vào các giao thức trung gian này. Trong quá khứ, những cuộc tấn công như vậy cướp đi hàng trăm triệu USD tài sản wrapped của các dự án cross-chain như đã xảy ra đối với Wormhole hay Multichain.
  • Ngoài ra, chuẩn OFT còn mang lại tính đồng nhất cho các tài sản crypto khi những token đã được bridge sẽ không tồn tại một lúc ở cả 2 chain như cái cách mà cơ chế lock-burn đang làm.

Hạn chế

Hiện tại, hạn chế của tiêu chuẩn này chủ yếu đến từ việc khó triển khai. Hầu hết chỉ những dự án có hợp tác với LayerZero thì mới có thể triển khai chuẩn token OFT và cho phép bridge token thông qua giao thức này.

Các sản phẩm tương tự

Hiện nay, ngoài Omnichain Fungible Token ra, còn một số giải pháp cross-chain khác cũng sử dụng cơ chế burn-mint, bao gồm:

Cross-Chain Transfer Protocol của Circle

Circle, công ty phát hành USDC - stablecoin có vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường crypto đã phát triển ra Cross-Chain Transfer Protocol (CCTP) để cung cấp một giải pháp giúp chuyển USDC giữa các blockchain khác nhau một cách dễ dàng và an toàn.

Giao thức cho phép chuyển USDC giữa các blockchain của Circle - CCTP
Giao thức cho phép chuyển USDC giữa các blockchain của Circle - CCTP

Ngày 26/03/2024, Circle cho biết CCTP đã chính thức có mặt trên Solana. Đây là một sự kiện quan trọng, giúp cho việc chuyển stablecoin USDC trên các blockchain khác nhau, đặc biệt là giữa EVM và non-EVM trở nên dễ dàng, an toàn. Điều này giúp mở ra khả năng tương tác và kết nối thanh khoản giữa các hệ sinh thái lớn trên thị trường crypto.

Cross-Chain Interoperability Protocol của Chainlink

Cross-Chain Interoperability Protocol (CCIP) là một giao thức cho phép tương tác giữa các blockchain với nhau được xây dựng bởi nền tảng oracle hàng đầu hiện nay là Chainlink. Với vị thế của mình, nền tảng này chú trọng vào tính bảo mật, an toàn trong việc tương tác, chuyển dữ liệu và tài sản crypto giữa các blockchain với nhau.

Giao thức CCIP cho phép tương tác, chuyển dữ liệu và token giữa các blockchain
Giao thức CCIP cho phép tương tác, chuyển dữ liệu và token giữa các blockchain

Hiện nay (31/03/2024), CCIP đã hỗ trợ 7 blockchain EVM hàng đầu hiện nay như: Ethereum (ETH), Optimism (OP), Polygon (MATIC), BASE, Avalanche (AVAX), Arbitrum (ARB) và BNB Chain (BNB).

Tổng kết

Trên đây là một số thông tin về Omnichain Fungible Token, một chuẩn token cho phép việc chuyển và tương tác giữa các blockchain được diễn ra một cách an toàn và dễ dàng, giúp loại bỏ những nhược điểm mà cơ chế bridge sử dụng wrapped token mang lại.

 

Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về OFT. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận ở phía dưới để anh em trong cộng đồng TradeCoinVN giúp bạn giải đáp nhé!