Thị trường crypto luôn biến động, giá trị của những đồng coin/token có thể tăng lên hàng nghìn phần trăm, nhưng cũng có thể giảm còn một nửa chỉ trong chỉ tích tắc.

 

Lúc này, các đồng Stablecoin đóng vai trò cực kỳ quan trọng nhờ khả năng duy trì một mức giá cố định. Chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của thị trường crypto.

 

Trong bài viết này, hãy cùng TradeCoinVN tìm hiểu về Stablecoin, cách thức hoạt động và ý nghĩa của dạng tài sản đặc biệt này. Bắt đầu nhé!

Stablecoin là gì?

Stablecoin là một loại crypto được thiết kế với khả năng giữ nguyên giá trị bằng cách gắn với tài sản (vàng, bạc.v.v), tiền tệ pháp định (USD, EUR.v.v.) hoặc một loại tài sản có giá trị khác. Mục tiêu của Stablecoin là trở thành phương tiện trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trước sự biến động giá của các loại tài sản crypto khác.

Stablecoin có giá trị ổn định
Stablecoin có giá trị ổn định

Chẳng hạn như các Stablecoin được sử dụng nhiều nhất hiện nay như USDT, USDC, FDUSD.v.v., chúng có giá trị ổn định xoay quanh mốc 1$.

Tại sao cần có Stablecoin?

Crypto là một thị trường non trẻ, giá trị vốn hóa thấp và rất dễ bị thao túng, do đó giá cả các đồng coin/token có thể biến động rất mạnh trong một thời gian ngắn.

 

Chính vì điều này mà các loại crypto như Bitcoin hay Ethereum hoàn toàn không thích hợp cho mục đích làm phương tiện thanh toán. Stablecoin có thể giải quyết vấn đề này bằng cách duy trì giá trị ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các giao dịch hàng ngày.

 

Hơn hết, Stablecoin rất có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các trader.

Thị trường Crypto biến động rất mạnh và cần phương tiện để giữ nguyên giá trị
Thị trường Crypto biến động rất mạnh và cần phương tiện để giữ nguyên giá trị

Việc chuyển đổi trực tiếp giữa crypto và tiền tệ pháp định (fiat) là rất khó khăn do sự biến động giá, phí giao dịch cao và những quy định pháp lý. Stablecoin chính là giải pháp đơn giản và nhanh chóng giúp chuyển đổi giá trị giữa các loại tiền tệ, tránh rủi ro từ sự biến động giá của thị trường crypto.

 

Thực tế, nhu cầu sử dụng stablecoin hiện nay là rất lớn, điển hình như USDT. Tại thời điểm viết bài (4/4/2024), nó là một trong những đồng crypto có thanh khoản cao nhất trên thị trường với giá trị vốn hóa trên 100 tỷ USD, xếp thứ 3 chỉ sau Bitcoin và Ethereum.

Phân loại Stablecoin

Stablecoin hoạt động thông qua các cơ chế neo giá với các tài sản có giá trị để duy trì sự ổn định. Mỗi loại Stablecoin khác nhau sử dụng loại tài sản bảo chứng khác nhau, từ đó có thể phân loại như sau:

Các stablecoin được bảo chứng bởi tiền pháp định

Tổ chức phát hành loại Stablecoin này cần dự trữ đủ một số lượng tiền tệ fiat, chẳng hạn như USD hay GBP để bảo chứng cho số Stablecoin mà họ mint ra.

 

Ví dụ, với 1 USDT (Tether USD) được mint, công ty Tether cần đảm bảo họ có tối thiểu 1 USD trong kho bạc và người dùng có thể chuyển đổi giữa USDT và USD bất cứ lúc nào họ cần.

 

Một số Stablecoin tiêu biểu gồm:

 

  • Tether USD (USDT), Tether Euro (EURT)...
  • USD Coin (USDC).
  • First Digital USD (FDUSD).
  • TrueUSD (TUSD).
Tether (USDT) là Stablecoin phổ biến nhất hiện nay
Tether (USDT) là Stablecoin phổ biến nhất hiện nay

Các stablecoin được bảo chứng bởi tài sản hàng hóa

Thay vì sử dụng tiền tệ fiat, loại Stablecoin này gán giá trị với các loại tài sản như kim loại quý (vàng, bạc.v.v.), bất động sản, trái phiếu chính phủ.v.v.

 

Một số Stablecoin tiêu biểu gồm:

 

  • Tether Gold (XAUT)
  • Paxos Gold (PAXG)
  • Digix Gold (DGX)

Các loại Stablecoin được bảo chứng bởi tài sản crypto

Loại Stablecoin này sử dụng các đồng crypto để làm tài sản thế chấp quá mức. Điều này có nghĩa là giá trị tài sản thế chấp luôn luôn cao hơn so với lượng Stablecoin được mint ra.

 

Tài sản crypto chứa đựng nhiều rủi ro, do đó việc thế chấp quá mức là giải pháp cần thiết để chống lại biến động giá. Thông thường, các Stablecoin thuộc dạng này sử dụng smart contract để thực hiện cơ chế mint và burn để ổn định giá trị và nguồn cung, tạo ra một quy trình minh bạch, đáng tin cậy.

 

Mặt khác, một số Stablecoin được quản lý bởi các DAO (tổ chức tự trị phi tập trung), nơi cộng đồng bỏ phiếu để quyết định những thay đổi, bao gồm cả việc điều chỉnh giá và cơ chế kiểm soát nguồn cung.

 

Một số Stablecoin tiêu biểu gồm:

 

  • Dai (DAI)
  • sUSD (SUSD)
  • Liquity USD (LUSD)
  • USDX Stablecoin (USDX)

Các stablecoin thuật toán

Các Stablecoin thuật toán có cơ chế hoạt động khác hoàn toàn so với những Stablecoin đã liệt kê ở trên. Chúng không dựa vào các loại tài sản dự trữ, mà sử dụng các thuật toán và smart contract để quản lý việc phát hành nguồn cung token.

 

Cụ thể, nếu giá Stablecoin giảm dưới mức giá của một loại tiền fiat được theo dõi, nguồn cung token sẽ được giảm xuống thông qua việc stake, burn hoặc mua lại. Ngược lại, nếu giá stablecoin vượt qua giá trị của tiền fiat, các token mới sẽ được mint ra và đưa vào lưu thông để làm giảm giá trị của stablecoin.

 

Đây là mô hình hiếm gặp, do rất khó để thành công so với các Stablecoin được bảo chứng bởi tài sản.

 

Một số Stablecoin tiêu biểu gồm:

 

  • Basis Cash (BAS)
  • Neutrino USD (USDN)

Ưu điểm và nhược điểm của Stablecoin

Ưu điểm

  • Ổn định giá: Stablecoin là phương tiện thanh toán và lưu trữ giá trị ổn định, giúp các nhà đầu tư tránh khỏi rủi ro từ biến động giá trong thị trường crypto.
  • Tính thanh khoản cao: Stablecoin có nhu cầu sử dụng rất lớn với mức thanh khoản cao, cho phép người dùng dễ dàng sử dụng một cách nhanh chóng, thuận tiện.
  • Tính phân quyền: Stablecoin thừa hưởng những lợi ích từ công nghệ blockchain. Bạn có thể gửi và nhận stablecoin bởi bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào và ở đâu, tự lưu trữ và sử dụng mà không cần cấp phép.
Stablecoin lưu trữ giá trị ổn định và có tính thanh khoản rất cao
Stablecoin lưu trữ giá trị ổn định và có tính thanh khoản rất cao

Nhược điểm

  • Rủi ro từ tính tập trung hóa: Các dạng Stablecoin được gắn với tiền tệ fiat hoặc tài sản thực tế thường có tính tập trung cao. Lý do là chúng chịu sự quản lý của tổ chức, công ty, dẫn đến rủi ro nếu xảy ra sự cố trong hệ thống.
  • Thiếu minh bạch: Trên thực tế, không phải tất cả các dự án Stablecoin đều chứng minh được việc họ có đủ số lượng tài sản bảo chứng. Thậm chí một số báo cáo kiểm toán công khai được thực hiện bởi một bên thứ ba thiếu uy tín, không được kiểm chứng.
  • Nguy cơ từ biến động giá: Các Stablecoin được bảo chứng bởi tài sản crypto thường gặp nhiều rủi ro bởi sự biến động giá khó lường. Các đồng tiền mã hóa lớn nhất hiện nay như Bitcoin hay Ethereum mặc dù có biên độ dao động thấp so với thị trường nhưng cũng không hoàn toàn tránh được nguy cơ bị thanh lý.

Kết luận

Stablecoin đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành một phần không thể thiếu trong thị trường crypto nhờ khả năng cung cấp tính ổn định và linh hoạt. Mặc dù vậy, Stablecoin vẫn chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn mà người dùng cần có sự cân nhắc khi quyết định sử dụng.

 

Các dự án, công ty và tổ chức phát hành cần tiếp tục phát triển và cải tiến để hoàn thiện Stablecoin, đưa chúng trở thành một phương tiện thanh toán và lưu trữ giá trị chính thống.