Thanh khoản tập trung (CLMM) là gì? Vì sao những sản phẩm ứng dụng mô hình CLMM lại thu hút được sự chú ý và bùng nổ mạnh trong thời gian vừa qua? Hãy cùng khám phá nguyên lý hoạt động, ưu cũng như nhược điểm của CLMM trong thị trường crypto.

 

Các AMM DEX từ lâu vẫn luôn là yếu tố quan trọng trong mảng tài chính phi tập trung, dù vậy, người dùng đang ngày càng tỏ ra chán nản với mô hình DEX truyền thống khi liên tục gặp các tình trạng như thiếu hụt thanh khoản, trượt giá. Trong bối cảnh đó, CLMM - một cơ chế thanh khoản, ra đời như một giải pháp hiệu quả để khắc phục những vấn đề trên.

Thanh khoản tập trung là gì
Thanh khoản tập trung là gì

Thanh khoản tập trung (CLMM) là gì?

Thanh khoản tập trung (CLMM - Concentrated Liquidity Market Maker) là một cơ chế thanh khoản, được giới thiệu lần đầu trên UniSwap v3 nhằm mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và bù đắp cho những điểm yếu của công thức x*y = k ban đầu trong AMM. Với mô hình CLMM, thanh khoản có thể được điều chỉnh để phân bổ cho một khoảng giá cụ thể, vì thế nó được gọi là vị thế thanh khoản tập trung.

CLMM cho phép LPs (các nhà cung cấp thanh khoản) tạo ra các khoảng thanh khoản với tỷ lệ tùy ý và mức giá được điều chỉnh theo sự ưu tiên trong từng trường hợp. Điều này giúp cho LPs kiểm soát rủi ro và sử dụng vốn hiệu quả hơn so với mô hình thanh khoản CPMM (Constant Product Market Maker) thường thấy.

 

Mô hình CPMM truyền thống tồn tại nhiều yếu điểm, nổi bật có thể kể đến như tổn thất tạm thời, trượt giá do biến động giá lớn của một trong hai loại tài sản, khả năng định giá không chính xác do nhiều yếu tố tác động.

 

Bên cạnh đó, mô hình CPMM phân bổ tài sản đồng đều trên toàn bộ đường cong giá, nhưng thực chất thanh khoản không phân bổ đều từ (0:∞). Vì vậy, khi thanh khoản của các LPs thêm vào được trải đều cho mọi phạm vi giá gây ra tình trạng lãng phí thanh khoản và phân bổ vốn kém hiệu quả, dẫn tới việc các LPs không nhận được lợi nhuận tốt nhất, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá trị tài sản khi thị trường biến động.

 

Đó cũng chính là lý do các nhà phát triển xây dựng CLMM như một giải pháp thanh khoản mới để cải thiện các vấn đề của CPMM.

Cơ chế hoạt động của CLMM

Để nắm rõ nguyên lý hoạt động của CLMM ra sao, hãy cùng tìm hiểu về mô hình cung cấp thanh khoản AMM truyền thống (V1, V2). Ở những phiên bản này, LP (Liquidity Providers) sẽ cung cấp thanh khoản cho các pool thông qua các cặp token.

 

Khi user tham gia và trao đổi token trên AMM DEX, nếu thanh khoản của các LP được sử dụng, khoản phí phát sinh khi trading sẽ được chia một phần cho các LP này như là phần thưởng đã góp thanh khoản vào trong pool.

Cơ chế hoạt động của CLMM
Cơ chế hoạt động của CLMM

Như anh em đã biết, mô hình cung cấp thanh khoản truyền thống sẽ được mô tả dưới dạng biểu đồ với biểu thức k=x*y, với hằng số k không đổi, cùng x và y biến thiên, đại diện cho lượng thanh khoản của 1 cặp token A và B, cho nên, nếu x quá cao thì y phải cực nhỏ và ngược lại (đồ thị tiệm cận 2 đầu).

 

Nói đơn giản, khi người dùng thực hiện một giao dịch trên pool, giá trị của k sẽ không đổi, do đó, nếu số lượng token A được giao dịch tăng lên thì số lượng token B phải giảm đi để giữ cho giá trị của k không đổi. Tương tự, nếu số lượng token B được giao dịch tăng lên thì số lượng token A phải giảm đi.

 

Vấn đề xảy ra khi pool thiếu thanh khoản của một trong hai token, ví dụ như nếu LP chỉ đặt một lượng nhỏ của token A vào pool, thì khi số lượng token A được giao dịch tăng lên, giá trị của k sẽ không đổi nhưng số lượng token B phải giảm đi rất nhiều để giữ cho giá trị của k không đổi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng trượt giá và giảm tính thanh khoản của pool.

Thanh khoản trải dài theo đường giá trên mô hình AMM truyền thống
Thanh khoản trải dài theo đường giá trên mô hình AMM truyền thống

Trong bối cảnh đó, Concentrated Liquidity (CL) giúp người dùng cung cấp thanh khoản ở những vùng giá nhất định, chứ không dàn trải một cách dư thừa như trên AMM truyền thống.

 

Nhờ đó, thanh khoản ở những vùng giá đang được giao dịch trở nên “dày” hơn, tránh trường hợp thanh khoản mỏng dẫn đến trượt giá quá cao. Những người cung cấp thanh khoản cho vùng giá đang được giao dịch cũng sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn từ việc chia tiền phí giao thức.

Thanh khoản trên AMM truyền thống và thanh khoản được tập trung trên CLMM
Thanh khoản trên AMM truyền thống và thanh khoản được tập trung trên CLMM

Còn những LP chỉ cung cấp thanh khoản ở mức giá quá cao hay quá thấp so với mức giá giao dịch, thì lượng vốn đó không được sử dụng và LP cũng sẽ không nhận được phí giao thức vì họ đã không tham gia vào quá trình đóng góp cho liquidity pool.

 

Khoảng giá để cung cấp thanh khoản có thể được tùy chọn, vì thế người dùng có thể chọn range rộng hay hẹp tùy ý, phù hợp với chiến lược phù hợp bản phân nhằm nhận về phí giao thức. Phạm vi được đặt cho vị thế thanh khoản tập trung càng hẹp, LP sẽ kiếm được doanh thu từ phí càng lớn và ngược lại.

Cùng một lượng thanh khoản, khi tập trung ở những vùng giá nhất định sẽ làm dày thanh khoản hơn rất nhiều.
Cùng một lượng thanh khoản, khi tập trung ở những vùng giá nhất định sẽ làm dày thanh khoản hơn rất nhiều.

Khi giá dao động, thanh khoản từ các LP khác nhau được sử dụng để thực hiện các giao dịch. Do đó, user thực hiện giao dịch dựa trên thanh khoản tổng hợp từ tất cả các vị thế thanh khoản bao trùm mức giá hiện tại.
 

Đọc thêm: Những yếu tố nào khiến cho mô hình của GMX thịnh hành?

 

Để nắm rõ hơn vấn đề này, cùng tìm hiểu thông qua hai ví dụ cụ thể sau:

Ví dụ 1:  Xét cặp thanh khoản BUSD/USDT

Cặp giao dịch USDT/BUSD trong Uniswap
Cặp giao dịch USDT/BUSD trong Uniswap

Theo như trong hình trên, thanh khoản của cặp này trong pool tập trung ở vùng (0,9995 : 1,0005). Theo cơ chế CPMM cũ, LPs sẽ cung cấp thanh khoản cho toàn bộ phạm vi giá. 

Điều này dẫn đến số vốn nhàn rỗi ở các khoảng thanh khoản thấp không được sử dụng hiệu quả, đối với các cặp có tính biến động giá cao còn gặp rủi ro về tổn thất tài sản do trượt giá.

Còn đối với CLMM, các nhà cung cấp thanh khoản có thể đặt phạm vi giá mà họ muốn cung cấp thanh khoản, ví dụ từ (0,9995 : 1,0005) và tập trung toàn bộ vốn của họ vào vùng đó. Các giao dịch nằm ngoài phạm vi này sẽ không được cung cấp thanh khoản, điều này giúp người dùng tối ưu vốn hiệu quả hơn, nhận được lợi nhuận tốt hơn và giảm thiểu các rủi ro về biến động giá.

 

Cơ chế giảm thiểu rủi ro hoạt động hiệu quả khi giá vượt khỏi phạm vi thiết lập, khi đó tỷ lệ tài sản sẽ được điều chỉnh lại. Ví dụ:

 

  • Giá vượt trên phạm vi thiết lập: Nếu giá của một tài sản trong cặp giao dịch tăng vượt khỏi phạm vi, người dùng có thể nhận lại một phần hoặc toàn bộ số lượng tài sản mà họ đóng góp vào pool thanh khoản. Điều này được thực hiện bằng cách chia lại tỷ lệ giữa hai tài sản trong cặp, giảm tỷ lệ tài sản tăng giá và tăng tỷ lệ tài sản giảm giá, từ đó đảm bảo giá trị tổng của pool không bị ảnh hưởng nhiều.
  • Giá giảm xuống dưới phạm vi thiết lập: Nếu giá của một tài sản trong cặp giảm xuống dưới phạm vi thiết lập, người dùng có thể nhận lại 100% lượng token mà họ đóng góp vào pool thanh khoản. Trong trường hợp này, cơ chế cho phép người dùng rút lại toàn bộ lượng tài sản mà họ đóng góp ban đầu.

 

Tuy nhiên, cách thiết lập hoạt động có thể thay đổi tùy thuộc vào các quy tắc được áp dụng trong từng hệ thống khác nhau.

Ví dụ 2: Có 2 pool thanh khoản là USDC/ETH và USDT/ETH

Cặp giao dịch USDC/ETH trong Uniswap
Cặp giao dịch USDC/ETH trong Uniswap

Đặt trường hợp sử dụng cơ chế thanh khoản CPMM cũ. Vinh dùng 1000 USDC để đổi lấy ETH với giá giao ngay là 5$ trong pool USDC/ETH. Giả sử, trong pool hiện đang có 1000 ETH được phân bổ ở mọi mức giá, nên Vinh đã nhận được 199,9 ETH với mức giá hầu như không đổi.

Cặp giao dịch ETH/USDT trong Uniswap
Cặp giao dịch ETH/USDT trong Uniswap

Còn Hùng dùng 1000 USDT để đổi lấy ETH cũng với giá giao ngay là 5$ trong pool USDT/ETH. Giả sử thanh khoản trong nhóm này rất mỏng và chỉ có 100 ETH có sẵn ở mức giá giao ngay. Chính vì sự thiếu hụt này, AMM phải cung cấp cho anh ấy token ETH với mức giá cao hơn giá giao ngay, dẫn đến việc Hùng chỉ nhận được 150 ETH. Đây là ví dụ điển hình về vấn đề trượt giá và tổn thất tạm thời trong các pool thanh khoản thấp. 
 

Trong ví dụ này có thể thấy, việc dàn trải thanh khoản ở mọi giá trị trên đường cong giá dẫn tới tình trạng một phần lớn trong nguồn cung cấp thanh khoản của LPs không được sử dụng (trường hợp của Vinh), trừ những cặp giao dịch có thanh khoản cực thấp (trường hợp của Hùng).

Xét qua CLMM, trong trường hợp cặp USDC/ETH, các nhà cung cấp thanh khoản có thể chỉ định vùng mà họ muốn cung cấp thanh khoản ở mức 4,5 - 6 USDC/ETH vì đây là vùng thanh khoản dày nhất để đảm bảo tối đa lợi nhuận. Còn với cặp USDT/ETH, LPs có thể điều chỉnh vùng cung cấp thanh khoản tùy theo từng trường hợp để tối đa hoá lợi nhuận.

NFT của CLMM

Ở các DEX v2 truyền thống, Liquidity Providers sẽ nhận được LP token sau khi cung cấp thanh khoản. Ngoài ra, LP cũng sẽ hold LP token để nhận reward từ trading fee, dù vậy, các LP token này không thể bán được.

 

Tuy nhiên, ở các DEX V3 có tích hợp CLMM, khi cung cấp thanh khoản, các Liquidity Providers sẽ nhận được NFT, chứa đầy đủ thông tin của cặp giao dịch mà bản thân vừa cung cấp cho DEX. Không chỉ vậy, LP cũng có thể đem các NFT này lên marketplace để bán và thu về lợi nhuận, đương nhiên là người hold các NFT này cũng sẽ được nhận phần thưởng như các LP token như ở các DEX truyền thống.

NFT của CLMM
NFT của CLMM

Ưu và nhược điểm của CLMM

Với cơ chế hoạt động của mình, CLMM sẽ giúp DEX:

 

  • Hạn chế được impermanent loss, LP kiếm được nhiều phí trong phạm vi giá đã chọn thay vì dàn trải thanh khoản trên toàn bộ đường cong giá. LP có thể thay đổi phạm vi giá hoặc rút thanh khoản khi cần thiết.
  • Giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn của pool, LP sẽ nhận được nhiều phí hơn.
  • Làm dày thanh khoản cho vùng giá đang giao dịch và giảm slippage cho trader khi đi các lệnh có khối lượng lớn.
  • Đa dạng hóa chiến lược cung cấp thanh khoản cho LP.

 

Tuy nhiên, CLMM vẫn mang trong mình những hạn chế nhất định, có thể kể đến như:

 

  • LP sẽ cần phải theo dõi giá và đề ra chiến lược cung cấp thanh khoản sát sao hơn, bởi nếu giá vượt ra khỏi khoản cung cấp, LP sẽ không nhận được trading fee.
  • Mô hình chỉ phù hợp với những AMM DEX có pool lớn, nếu pool quá nhỏ mà áp dụng CLMM sẽ gây ra trượt giá còn lớn hơn cả mô hình AMM DEX truyền thống.

Lợi ích mà CLMM mang lại

Đối với các nhà cung cấp thanh khoản

  • Hỗ trợ LP bỏ ra số vốn thấp hơn nhưng vẫn thu được phần phí và phần thưởng cao, giúp LP có thể tận dụng tối đa cặp giao dịch tạo ra lợi nhuận cho mình.
  • Giúp giảm thiểu tổn thất tạm thời, tối ưu hóa lợi nhuận thông qua việc cập nhật các phạm vi giá theo những biến động trong thị trường.

Đối với các dự án DEX

  • Tập trung thanh khoản giúp tăng hiệu suất vốn của mạng lưới. Thanh khoản cao là tiền đề để phát triển nhiều sản phẩm tài chính khác nhau trong nhiều lĩnh vực như như tài sản tài chính phái sinh (vĩnh viễn, tùy chọn),...

Đối với các nhà giao dịch

  • Giúp giảm chi phí trượt giá cho các nhà giao dịch khi thực hiện giao dịch trên AMM.

Các dự án DEX sử dụng mô hình CLMM

UniSwap (UNI)

UniSwap là dự án đầu tiên phát triển mô hình CLMM và mang đến một bước tiến mới cho các DEX/AMM khi giúp các LP khai thác nguồn vốn của họ hiệu quả hơn. UniSwap v3 đã duy trì độc quyền mô hình CLMM trong hơn 1 năm, cho đến khi Trader Joe phát triển mô hình tương tự mang tên Liquidity Book.

 

Ngày 01/04/2023 vừa qua, UniSwap v3 đã hết hạn license và sẽ phải mở mã nguồn cho CLMM, vì vậy, có lẽ sẽ có rất nhiều dự án fork UniSwap v3 hoặc học hỏi mô hình CLMM từ nền tảng này và tạo thành một trào lưu mới là DEX CLMM.

Cơ chế hoạt động CLMM của UniSwap
Cơ chế hoạt động CLMM của UniSwap

Như bức hình bên trên với CLMM (bên phải), LP chỉ cung cấp thanh khoản cho vùng giá giao dịch nhưng nhận được lượng phí tương đương với LP cung cấp thanh khoản cho toàn bộ đường giá trong khi số vốn bỏ vào thấp hơn 8 lần.

 

Giả sử user Xanh là An và Đỏ là Bảo đều muốn cung cấp thanh khoản cho cặp giao dịch ETH/DAI trên một nền tảng sử dụng cơ chế thanh khoản tập trung (CLMM). Cả hai đều có số vốn là 10.000 USD. Giá hiện tại của ETH là 1.750 DAI.

 

An quyết định sử dụng cơ chế AMM truyền thống và đưa toàn bộ số vốn của mình vào thanh khoản ở mọi mức giá. Trader này sẽ cần đưa vào khoảng 5.000 DAI và 2,85 ETH (tổng giá trị 10.000 USD).

 

Trong khi đó, bên Bảo chọn sử dụng cơ chế CLMM và chỉ đưa số vốn của mình vào thanh khoản trong khoảng giá từ 1.500 đến 2.500 USD. Bảo sẽ đưa vào khoảng 600 DAI và 0,37 ETH, với tổng giá trị khoảng 1.200 USD, chỉ chiếm khoảng 12% số vốn ban đầu.

 

Mặc dù An đưa ra số vốn gấp 8,34 lần Bảo, nhưng cả hai vẫn có thể kiếm được số tiền phí giao thức tương đương, miễn là giá ETH/DAI nằm trong khoảng giá từ 1.500 đến 2.500 USD.

 

Nếu giá ETH giảm xuống còn 0 USD, thanh khoản của cả An và Bảo sẽ hoàn toàn bằng ETH. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, An sẽ mất hết toàn bộ số vốn của mình trong khi Bảo chỉ mất khoảng 12% số vốn của mình.

 

Trong trường hợp này, CLMM đã giúp Bảo cung cấp thanh khoản hiệu quả hơn bằng cách tập trung vào khoảng giá nhất định, giúp tăng độ dày của thanh khoản và giảm rủi ro cho nhà cung cấp thanh khoản.

 

Có thể nói, CLMM là một bước đột phá quan trọng cho lĩnh vực DEX, tuy nhiên, mô hình này vẫn có những điểm yếu. Như đề cập ở trên, CLMM mang lại lượng phí cao hơn cho LP khi họ cung cấp thanh khoản cho vùng giá giao dịch.

 

Nhưng khi giá đi ra khỏi phạm vi cung cấp thanh khoản, LP sẽ không thu được phí và phải điều chỉnh lại range nếu muốn tiếp tục cung cấp thanh khoản cho cặp đó. Chính điều này tạo ra sự phức tạp cho các LP khi họ phải kiểm tra liệu giá có nằm trong vùng thanh khoản không, nếu không họ phải tự điều chỉnh.

 

Các dự án cung cấp thanh khoản chủ động như Gamma Strategies ra đời để điều chỉnh thanh khoản thay người dùng một cách tự động, nâng cao hiệu quả cung cấp thanh khoản hơn. Trong tương lai, nếu các DEX CLMM có thêm tính năng điều chỉnh chủ động thanh khoản theo giá giao dịch sẽ mang lại nhiều lợi ích cho user hơn.

Trader Joe (JOE)

Trader Joe vốn dĩ là một dự án được fork từ UniSwap v2. Thay vì đợi UniSwap mở mã nguồn cho CLMM, Trader Joe đã chủ động tự phát triển mô hình thanh khoản tập trung cho riêng mình mang tên Liquidity Book.

CLMM và Liquidity Book có mô hình khá tương đồng
CLMM và Liquidity Book có mô hình khá tương đồng

Liquidity Book sắp xếp tính thanh khoản của từng cặp tài sản vào những “thùng giá” (price bins). Thị trường được hình thành bằng cách tổng hợp các thùng thanh khoản rời rạc của những LP khác nhau.

 

Khi việc swap diễn ra, số tiền có sẵn trong các thùng thanh khoản được giao dịch được giao dịch tại mức giá cố định. Nếu giao dịch yêu cầu lượng thanh khoản lớn hơn số tiền có trong thùng đó thì nó sẽ chuyển sang thùng tiếp theo. Các nhà cung cấp thanh khoản có thể tập trung thanh khoản xung quanh một phạm vi giá.

 

Trong khi các AMM khác lưu trữ các pool thanh khoản gồm 2 tài sản riêng biệt, Trader Joe v2 chỉ lưu trữ thùng thanh khoản của 2 tài sản tương ứng với mức giá thị trường hiện tại.

 

Ở các mức giá khác, thanh khoản được phân bổ như sau:

 

  • Một bên tài sản được cung cấp cho các thùng cao hơn giá hiện tại.
  • Tài sản thứ hai được cung cấp cho các thùng giá thấp hơn thị trường.
  • Khi thùng thanh khoản hiện tại cạn kiệt - có nghĩa là tất cả một tài sản đã bị người giao dịch loại bỏ khỏi nhóm và chỉ một tài sản duy nhất còn lại trong thùng - sàn sẽ chuyển giao dịch sang thùng tiếp theo, đồng thời điều chỉnh giá của tài sản trong quá trình này.

 

Giả sử có hai tài sản là A và B và giá thị trường hiện tại cho cặp tài sản này là 1A đổi được 10B. Thị trường được chia thành các thùng giá, mỗi thùng có range giá cố định, ví dụ như 1 thùng có độ rộng giá là 0.1B.

 

Ban đầu, Trader Joe sẽ tập trung thanh khoản trong một số thùng giá xung quanh giá thị trường hiện tại. Ví dụ, Trader Joe có thể chọn tập trung thanh khoản vào 5 thùng giá, trong đó:

 

  • 2 thùng giá có giá cao hơn giá thị trường, mỗi thùng giá chứa 10A và 110B.
  • 2 thùng giá có giá thấp hơn giá thị trường, mỗi thùng giá chứa 10A và 90B.
  • 1 thùng giá ở giá thị trường, chứa 10A và 100B.

 

Khi người dùng muốn swap A sang B, họ sẽ được đưa vào một thùng giá với giá cố định. Ví dụ, nếu người dùng muốn swap 1A sang B, họ sẽ được đưa vào thùng giá giá thấp hơn với giá là 1A đổi được 9B. Nếu thùng giá này không đủ thanh khoản để đáp ứng yêu cầu của người dùng, Trader Joe sẽ tự động chuyển sang thùng giá tiếp theo với giá cao hơn hoặc thấp hơn, tùy thuộc vào hướng swap.

 

Nếu một thùng giá cạn kiệt thanh khoản cho một tài sản, thì Trader Joe sẽ chuyển sang thùng giá mới, đồng thời điều chỉnh giá của tài sản trong quá trình này.

 

Với mô hình Liquidity Book, người dùng có thể tập trung thanh khoản vào các thùng giá cụ thể mà họ muốn, thay vì để nó tự động chạy từ 0 đến vô cực. Điều này giúp giảm thiểu việc các token ít hoạt động và không đóng góp gì cho quá trình giao dịch, giúp tăng tính thanh khoản và giảm thiểu slippage.

 

Lượng token được tập trung sẽ giảm thiểu việc các token ít hoạt động và không đóng góp gì cho quá trình giao dịch. Các trader cũng vì thế mà nhận được lợi ích từ việc slippage ít biến động hoặc thậm chí bằng 0.

 

Ngoài ra, Trader Joe hiện nay đang cung cấp thêm nhiều chiến lược về thanh khoản hơn cho các LP có thể tự do lựa chọn để phù hợp với nguồn vốn, điều kiện và mục đích của họ. Tham khảo thêm về các chiến lược tại đây.

Các chiến lược cung cấp thanh khoản mà Trader Joe đưa ra đi kèm với mức độ hiệu quả và rủi ro cho từng chiến lược
Các chiến lược cung cấp thanh khoản mà Trader Joe đưa ra đi kèm với mức độ hiệu quả và rủi ro cho từng chiến lược

Thena (THE)

Thena là sàn DEX mới nổi trên hệ sinh thái BNB Chain vào đầu năm 2023 với mô hình ve(3,3). Gần đây, Thena đã thêm tính năng Fusion (CLMM) cho sản phẩm của mình để các LP nâng cao hiệu quả khai thác thanh khoản hơn.

Tính năng Fusion (CLMM) giúp các LP nâng cao hiệu quả khai thác thanh khoản hơn
Tính năng Fusion (CLMM) giúp các LP nâng cao hiệu quả khai thác thanh khoản hơn

Fusion của Thena sẽ mang lại nhiều tiện ích hơn cho người dùng, nhất là lượng phí và user có thể đặt các lệnh limit order cho việc trade. Để phát triển CLMM cho riêng mình, Thena đã hợp tác với 2 dự án khác là Algebra (concentrated liquidity) và Gamma (liquidity management), đây là 2 dự án bổ trợ DEX đáng theo dõi trong narrative về CLMM.

 

Chưa có ngày ra mắt chính thức, nhưng Thena thông báo, tính năng sẽ sớm được ra mắt để người dùng có thể sử dụng.

Raydium (RAY)

Sàn DEX đến từ hệ sinh thái Solana là Raydium cũng tự phát triển CLMM của mình vào cuối năm 2022 với tên gọi khác là Concentrated Pool. Cơ chế và mô hình hoạt động của Concentrated Pool cũng giống với CLMM của UniSwap v3 khi các LP có thể chủ động chọn vùng muốn cung cấp thanh khoản và nhận phí khi có giao dịch diễn ra trong vùng cung cấp thanh khoản.

Giao diện Concentrated Pool của Raydium
Giao diện Concentrated Pool của Raydium

Các LP kiếm được phí tương ứng với tỷ lệ thanh khoản của họ ở mức giá hiện tại. Do đó, các LP có động lực mạnh mẽ để tích cực quản lý các vị thế thanh khoản để đảm bảo giá hiện tại trong pool nằm trong vùng mà họ cung cấp thanh khoản.

PancakeSwap v3 (CAKE)

Cái tên mới nhất gia nhập xu hướng CLMM chính là PancakeSwap với phiên bản v3, mang đến cho các LP tính năng thanh khoản tập trung để tối ưu hóa lợi nhuận cho các LP.

Tính năng thanh khoản tập trung trên PancakeSwap
Tính năng thanh khoản tập trung trên PancakeSwap

Cũng như các CLMM khác, với cùng số vốn được tập trung cung cấp thanh khoản cho vùng giá đang giao dịch, PancakeSwap v3 mang lại cho các LP lượng phí cao hơn rất nhiều lần so với việc cung cấp thanh khoản cho toàn bộ đường giá trong pool. Pancake cũng xác nhận, phiên bản này được xây dựng dựa trên UniSwap v3 với những bổ sung về thay đổi phí và thêm lệnh limit order cho giao dịch.

 

Ngoài các dự án nổi bật kể trên, còn có một số DEX khác mang tính năng CLMM hoặc có liên quan, hỗ trợ cho CLMM nên được theo dõi như QuickSwap (QUICK mới), ZyberSwap (ZYB), Gamma Strategies (GAMMA), Algebra Protocol (AGLB),...

Tổng kết

CLMM là một mô hình thanh khoản tập trung đầy tiềm năng mà đang được các sàn DEX triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, để cung cấp thanh khoản hiệu quả và đảm bảo lợi ích cho LP, các sàn DEX đều đang nghiên cứu và phát triển những chiến lược và tính năng mới, từ việc điều chỉnh thanh khoản tự động đến tính năng lệnh limit order cho giao dịch.

 

Với sự hỗ trợ của các dự án bổ trợ như Gamma Strategies, Algebra Protocol hay Thena, CLMM hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người dùng và đưa tiến trình giao dịch trên DEX lên một tầm cao mới.

 

Trong giai đoạn này, user nên quan sát thị trường có FOMO cho narrative về CLMM hay không, vì có thể sắp có làn sóng fork CLMM của UniSwap v3 khi dự án phải mở mã nguồn khi hết hạn giấy phép. Trader nên theo dõi các token dự án CLMM lớn để đo lường mức độ “interest” của thị trường đối với trend này để tránh FOMO không đúng lúc và dính các dự án scam.